Xuất khẩu hoa Đà Lạt - thị trường còn bị bỏ ngỏ


Từ lâu, hoa Đà Lạt đã là thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng cả nước biết tới và là một trong những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tiềm năng xuất khẩu hoa Đà Lạt chưa được khai thác một cách hiệu quả.

phan phoi hoa tuoi da lat



Diện tích trồng hoa của Lâm Đồng tính đến năm 2012 đạt gần 5.148 ha, sản lượng hơn 1,7 tỷ cành hoa các loại. Thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực của tỉnh, chiếm 57,5% diện tích và 60% lượng hoa.

Hiện nay, Đà Lạt có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Với ưu điểm đa dạng về chủng loại, màu sắc nên hoa Đà Lạt nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoa Đà Lạt vẫn chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường nội địa như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam bộ... Đối với thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng thì hoa Đà Lạt chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, lượng hoa xuất khẩu của cả tỉnh chỉ đạt khoảng 10-15% sản lượng hoa hàng năm. Điển hình như năm 2012, toàn tỉnh chỉ xuất khẩu khoảng 197 triệu cành (trong tổng sản lượng gần 1,8 tỷ cành), đạt gần 23 triệu USD.

Đây là một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của ngành sản xuất hoa Đà Lạt-Lâm Đồng. Sản phẩm hoa Đà Lạt hiện được xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Australia, Singapore…, chủ yếu tập trung ở một vài doanh nghiệp, công ty có khả năng khai thác thị trường tốt.

Là một trong những công ty đi đầu về công nghệ cao trong sản xuất hoa nhưng Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt lại hầu như không chú trọng vào khai thác hoa cắt cành xuất khẩu. Hàng năm, sản lượng hoa cắt cành của công ty này đạt khoảng 2 triệu cành, chủ yếu là ly ly, cúc, hoa hồng và chỉ cung cấp cho thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Rừng Hoa Đà Lạt cho biết do việc xuất khẩu hoa cắt cành có nhiều khó khăn nên công ty chỉ chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu đối với cây giống các loại, bởi đây là mặt hàng dễ xuất khẩu hơn nhiều.

Khó đáp ứng các tiêu chuẩn của nước ngoài


Có một thực tế dù tại Đà Lạt-Lâm Đồng hiện có nhiều doanh nghiệp, công ty sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao nhưng chỉ một số ít đơn vị chú trọng đến xuất khẩu hoa cắt cành. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó, quan trọng nhất là công tác kiểm định gắt gao khi nhập khẩu hoa vào thị trường các nước "khó tính" mà ít đơn vị có thể đáp ứng được.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, Giám đốc Rừng Hoa Đà Lạt, nhận định: “Ngoài Dalat Hasfarm, Apollo đang khai thác tốt thị trường hoa xuất khẩu thì hầu như các doanh nghiệp, nông dân trồng hoa Đà Lạt đều bế tắc về đầu ra xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do không đảm bảo được các điều kiện về nhà kính, cơ sở hạ tầng, quá trình đóng gói, xử lý sản phẩm sau thu hoạch…”.

Cũng tương tự, dù đã có thâm niên trồng hoa hàng chục năm nhưng người trồng hoa tại Lâm Đồng cũng rất khó tiếp cận với thị trường thế giới. Do tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của các nông hộ đã dẫn đến tình trạng hoa Đà Lạt không đủ khả năng đáp ứng được những hợp đồng xuất khẩu với các yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng.

Ông Đoàn Văn Quỳnh là một nông dân trồng địa lan (loài hoa rất nổi tiếng của Đà Lạt) từ hàng chục năm nay. Năm 2004, một thương lái ở nước ngoài về tìm hiểu mua địa lan đi xuất khẩu, ông Quỳnh đã tạo điều kiện giúp thu mua, đóng bao bì… và đã bán được một lượng hoa nhỏ với giá thành khá cao so với trong nước.

“Tuy nhiên, việc thu mua hoa của các nhà vườn gặp nhiều khó khăn và chất lượng hoa dù đã được chúng tôi tuyển chọn kỹ càng nhưng vẫn không đáp ứng được một số tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật...", ông Quỳnh cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, để khắc phục những hạn chế trong việc xuất khẩu hoa hiện nay cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng xác định các thị trường mục tiêu chính, xây dựng điều kiện cần thiết cho việc xuất khẩu, điều chỉnh những giải pháp trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn…

Giải pháp là thế nhưng việc triển khai thực hiện để đem lại hiệu quả tích cực còn là một câu hỏi chưa thể trả lời.

Ông Nguyễn Đình Sơn chia sẻ: “So với giá bán trong nước, giá hoa xuất khẩu rất ổn định và có tiềm năng, doanh thu tăng trưởng 150% so với nội địa. Thực tế cũng đã có nhiều đối tác đã tìm đến mua hoa xuất khẩu nhưng đều thất bại do sản phẩm hoa chưa vượt qua được những tiêu chuẩn kiểm dịch khó khăn”.

Vậy là đến nay, dù được đánh giá rất giàu tiềm năng, nhưng xuất khẩu hoa Đà Lạt vẫn là thị trường bị bỏ ngỏ